Di tích lịch sử vụ thảm sát Nho Lâm
Xã Phước Hưng huyện Tuy Phước có truyền thống là đất học. Nơi đây đã sinh ra ông Cử, ông Tú vang bóng một thời, trong đó phải kể đến cụ Đào Phan Duân Ở làng Biểu Chánh, trở thành niềm tự hào của xã. Người dân Phước Hưng rất xứng đáng khi tự hào về truyền thống của vùng đất quê mình. Song trong niềm tự hào ấy, người Phước Hưng cũng không bao giờ quên hình ảnh thương tâm xảy ra trên quê hương của mình mà quân thù đã gây ra. Đó là sự kiện ngày 23/3/1966 (tức 02 tháng 3 năm Bính Ngọ) tại Am Xác Luyến thôn Nho Lâm.

Hình tổng quang khu di tích

Quang cảnh khu di tích lịch sử thảm sát Nho Lâm
Thực hiện chính sách "Đốt sạch" và "Giết sạch" "Giết nhẩm còn hơn bỏ sót". Tại Nho Lâm sáng ngày 23 tháng 3 năm 1966 tức là ngày 2/3/1966 Âm lịch, bằng hai hướng chính, một hướng từ Nhơn Hạnh, An Nhơn, một hướng từ Gò Bồi, bọn chư hầu Nam Triều Tiên đã mở một cuộc càn quét lớn trên khắp các xã trong huyện Tuy Phước. Điểm dừng của bọn chúng là Phước Hưng, đi đến đâu bọn chúng tiến hành đốt phá đến đấy. Gặp người nào bọn chúng cũng đều bắt đi. Đứng trước tình hình như vậy, phần lớn nhân dân đều hoang mang lo sợ, tìm cách chạy trốn. Tại Nho Lâm, trên một khu gò miếu nằm ở giữa đồng ruộng có một xóm nhà với 4 gia đình, đó là gia đình bà Mai Thị Mười, Nguyễn Yêm, Nguyễn Thị Được và gia đình ông Trần Ngàn, trong điều kiện chiến tranh, cho nên trong nhà ai cũng có một căn hầm trú ẩn. Trong xóm này có một chiếc am, tục gọi là Am Xác Luyến, nằm ngay tại nhà bà Mười. Do tính chất vững chắc của ngôi nhà và tiếng đồn về sự linh thiêng của am này, cho nên khi chạy cần, bà con các xã lân cận như: Phước Thắng, Phước Quang, Nhơn An, Nhơn Hạnh... đã tìm đến đây trú ẩn, với tâm niệm là nương nhờ sự che chở của thần linh và cũng là nơi tín ngưỡng của tôn giáo, bọn chúng chắc không thể gây giết hại nhân dân. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Theo lời kể của một số bà con vùng lân cận và những người còn sống sót thì sau khi càn quét lùng sục khắp các xóm từ sáng sớm đến chiều. Bọn lính Nam Triều Tiên bắt đầu lùa dân ở các xóm tập trung lại trước Am Xác Luyến, thời gian lúc này khoảng 2-3 giờ chiều. Bọn chúng chia dân ngồi theo hai phía, đàn ông ngồi một phía, đàn bà ngồi một phía, mặt tên nào trông cũng đầy sát khí, đi đi lại lại, miệng luôn nhai kẹo cao su.
Trước khi ra tay tàn sát, bọn chúng đã thực hiện hàng loạt những hình thức giết người vô cùng man rợ, một thiếu niên bị một tên lính Nam Triều Tiên gọi lại hỏi một điều gì đó, song không biết tiếng, em chỉ lắc đầu, liền bị tên này xả súng vào hai bàn chân của em, thấy vậy em chắp tay van lạy nhưng tên này không buông tha bắn tiếp vào chân, vào đùi, vào đầu cho đến chết. Trước cảnh tượng như vậy bà con càng kêu khóc van xin, nhưng bọn chúng vẫn tiếp tục hành hạ dã man. Một cháu bé khoảng 3-4 tuổi ngồi ngay trong hàng đi lẫm chẫm đến với mẹ nó, liền bị bọn chúng xả súng bắn chết ngay trước sân không một chút thương xót và nhiều hình thức khác nữa cũng thật đau lòng. Tiếp sau những hành động thú tính đó, bọn chúng đặt 3 khẩu trung liên theo ba hướng khác nhau chỉ cách đám người 3m bất thần xả súng vào đám phụ nữ và trẻ em không một phương tiện chống đỡ, hàng loạt người đã ngã xuống trước mũi súng điên cuồng của bọn chúng. Vẫn chưa đủ, bọn chúng tiếp tục lùa đàn ông xuống các căn hầm trong khu vực này rồi xả súng và ném lựu đạn tới tấp làm cho hàng loạt người chết chồng chất lên nhau trong các căn hầm chật hẹp. Tại căn hầm bà Nguyễn Thị Được có khoảng 30 người đã bị bọn chúng sát hại, duy chỉ sống sót một người đó là ông Cao Chí (hiện nay ông đã chết), ông bị mảnh lựu đạn cắt mất mười ngón chân, ngoài ra ông còn bị nhiều vết thương khác vào đầu, vào mình làm ông trở thành người tàn tật suốt đời.
Ở căn hầm ông Trần Ngàn, ông Nguyễn Trước còn sống sót kể lại. Trong hầm của ông có khoảng 30 - 40 người, sau khi bị lùa xuống hầm, giữa tiếng kêu khóc van xin của bà con nhưng bọn chúng vẫn không một chút mủi lòng. Chúng dùng trung liên thanh bắn xuống hầm, rồi quăng lựu đạn tiếp theo cho đến khi không còn một tiếng kêu rên nào nữa mới thôi, lúc này trong hầm còn sống ông Nguyễn Trước (hiện nay đã chết) và ông Trần Văn Bảy (nay 68 tuổi hiện còn sống tại địa phương).
Trong căn hầm của nhà bà Mai Thị Mười, bọn chúng cũng lùa xuống hầm khoảng 40 - 50 người, rồi cũng tàn sát với hình thức tương tự, không một người sống sót, duy chỉ còn một mình ông Trần Văn Châu là người còn sống và hiện nay ông đã 84 tuổi.
Sau khi bắn giết những người dân vô tội một cách điên cuồng, bọn chúng vẫn chưa thỏa mãn, tiếp những ngày sau đó, bọn chúng tiếp tục gây ra biết bao tội ác với nhân dân các vùng chung quanh, như ở Nước Mặn Phước Quang Tuy Phước, chúng đã sát hại 21 người trong một căn hầm. Tội ác của bọn chúng thật không bút mực nào tả nổi.
Chỉ trong vòng không đầy 1 tiếng đồng hồ, tại Am Xác Luyến thôn Nho Lâm, trên một diện tích 100m² hàng trăm người dân vô tội của thôn Nho Lâm và các xã lân cận bị sát hại. Theo con số điều tra đến nay có 169 người bị sát hại trong đó thôn Nho Lâm thuộc xã Phước Hưng có 68 người, xã Phước Quang 15 người, xã Phước Hoà 2 người và xã Nhơn Hạnh thuộc thị xã An Nhơn 84 người. Trong đó có 4 người đang mang thai, phần lớn những người bị sát hại là phụ nữ và trẻ em từ độ tuổi cao nhất là 75 tuổi và nhỏ nhất là 3 tháng. Năm gia đình không ai sống sót.
Để tưởng nhớ những người dân vô tội bị sát hại và di tích địa phương có đủ cơ sở pháp lí, địa phương đã lập thủ tục trình các cấp và được Bộ Trưởng Bộ văn hoá thông tin và thể thao đã công nhận “Di tích lịch sử” cấp quốc gia tại quyết định số 2009 ngày 15 tháng 11 năm 1991. Và Di tích lịch sử Thảm sát Nho Lâm đã được thực hiện quy hoạch bảo vệ, khai thác sử dụng phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng.

Di tích lịch sử thảm sát Nho Lâm
Nhằm phát huy giá trị văn hoá Di tích, giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút khách thập phương về tham quan du lịch, trong thời gian qua địa phương cùng các cấp, các ngành đã đầu tư xây dựng, sửa chữa và chăm sóc cảnh quan, vệ sinh môi trường khu Di tích.

Đoàn SOMI/ Hàn Quốc đến viếng thăm Di tích lịch sử
Hàng năm cứ vào ngày 02 tháng 3 Âm lịch, để chuộc lại lỗi lầm, xoa dịu bớt đau thương, mất mát người dân nơi đây, quỹ Hoà bình Hàn- Việt đã gửi vòng hoa đến cùng địa phương và bà con nhân dân thôn Nho Lâm tổ chức Lễ tưởng niệm tại Di tích. Ngoài ra Tập đoàn SOMI Hàn Quốc hàng năm hổ trợ trao học bỗng cho con em thân nhân những người bị sát hại nơi đây./.
Phòng VHTT huyện Tuy Phước
Một số hình ảnh về di tích lịch sử Thảm sát Nho Lâm








Ngày đăng: 21/10/2024 - 13:51