Danh lam thắng cảnh

PHƯỚC HƯNG – miền đất của nhớ thương

“Theo dòng sông Gò Chàm

Đưa ta về quê mẹ

Nhìn dòng nước trong xanh

Gợi lên bao nỗi nhớ”

      Đây là lời bài hát: Miền đất cuối dòng sông của nhạc sỹ: Châu Đức Khánh viết về mảnh đất thơ mộng Phước Hưng anh dũng trong chiến tranh và anh hùng trong thời kỳ đổi mới mà mình rất yêu thích. Ngay từ nhỏ nghe bài hát này đã hiện lên trong đầu mình một Phước Hưng trung kiên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và miền quê trù phú qua bao năm đổi mới … Mình đã tự nhủ nhất định một ngày nào đó sẽ đến thăm mảnh đất nằm dọc theo con sông Gò Chàm này. Và rồi vào một ngày tháng 5 đẹp trời, mình cũng đã làm được điều đó. Hãy đồng hành cùng hành trình của mình nhé.

      1. Biểu Chánh – Ngôi đình duy nhất còn nguyên vẹn lối kiến trúc cổ

     Nơi mà mình đến thăm đầu tiên là Đình làng thôn Biểu Chánh. Tọa lạc ở một vị trí cao ráo, ngôi đình Biểu Chánh được Vua Minh Mạng năm thứ 2 (1882) ban sắc tứ. Đến năm 1928 được sự hỗ trợ của Quan Tuần phủ Đào Phan Duân (nhân dân thường gọi là Cụ Tuần) Đình được xây dựng khá khang trang rộng rãi.

Ngôi đình thôn Biểu Chánh

      Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, cùng với tác động từ thiên nhiên, quá trình tu sửa chậm trễ, ngôi đình bị xuống cấp. Toàn bộ mái ngói âm dương, hệ thống kèo và dãy cột bằng gỗ của ngôi đình bị mối mọt phá hoại gần như toàn bộ. Năm 2020 bằng kinh phí vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương Đình Biểu Chánh được đại trùng tu.

Hai câu Liễn treo trước bàn thờ giữa là của Quan Tuần phủ Đào Phan Duân (thường gọi là cụ Tuần) tặng khi ngôi Đình xây dựng năm 1928

       Biểu Chánh còn biết đến là vùng đất khoa cử. Người dân Phước Hưng nói chung và thôn Biểu Chánh nói riêng rất mộ đạo thánh hiền, tôn sùng nho giáo, đã sản sinh ra khá nhiều nhà khoa bảng như: Họ Lê có: “Tứ đại khoa danh”, đó là: Lê Xuân đậu thủ khoa cử nhân năm 1837; con là Lê Thuần đậu Tú tài năm 1885, cháu nội là Lê Tấn đậu cử nhân năm 1897 và chắt nội là Lê Doãn Sằn đậu cử nhân năm 1912. Đặt biệt họ Đào Biểu Chánh có cụ Đào Phan Duân một người đức độ học cao, hiểu rộng. Ông đậu cử nhân năm Giáp Ngọ (1894). Năm Ất Mùi (1895) ông đỗ Phó bảng lúc ấy mới 31 tuổi và được bổ làm quan kinh qua các chức nội các: Đốc học tỉnh Phú Yên, Án sát tỉnh Nghệ An, Phủ Doãn tỉnh Thừa Thiên, Tuần phủ tỉnh Khánh Hòa. Năm 1924 ông sáng lập: Phước An Thương Quán tại Quy Nhơn. Ông Làm Hội trưởng Hội Bảo trợ du học và Bảo nông, đề xuất đắp đê ngăn mặn tại Huỳnh Giảng, Phước Hòa; đào sông dẫn nước tại Luật Lễ, Phước Hiệp, đắp đập Bảy Yển ở Nhơn Phúc, An Nhơn.  Ông đã nêu gương sáng cho những thế hệ tiếp theo, góp phần tạo nên truyền thống yêu nước, yêu nhân dân, tinh thần hiếu học, chí dũng cảm và lòng nhân hậu. Phát huy truyền thống đó, thời đại nào ở Phước Hưng cũng có những nhân tài trong lịch sử địa phương.

Ngôi mộ của Quan Tuần phủ Đào Phan Duân (Cụ Tuần) ở xóm 01, thôn Biểu Chánh

      2. Thiên Đức – 01 trong 03 Tổ đình lớn nhất của Bình Định

     Chùa Thiên Đức (thôn Háo Lễ) được xem là 01 trong 03 Tổ đình lớn nhất của tỉnh Bình Định (Cùng với Thập Tháp và Long Khánh). Đây là một ngôi tổ đình với lối kiến trúc hài hoà, cây cảnh bố trí đẹp mắt. Khung cảnh yên bình nơi làng quê với những cánh đồng lúa bát ngát bao quanh tạo nên một dáng vẻ tĩnh lặng, an vui, thanh thản cho những người Phật tử về đây vãng cảnh chùa.

Chùa Thiên Đức tọa lạc tại thôn Háo Lễ

      Tiếp tôi sư trụ trì Thích Nhuận Trí cho biết: Chùa Thiên Đức do Ngài Tế Hiến sáng lập năm Canh Tý (1720) dưới thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái thứ nhất và Quốc Chúa Đàng trong là Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Đến đời trụ trì thứ 8 là thiền sư Minh Giác hiệu Trường Xuân chùa được vua Minh Mạng năm thứ 14 ban ngạch Sắc tứ Thiên Đức tự. Chùa Thiên Đức có nhiều tên gọi khác nhau: như chùa Háo Lễ, vì ngôi chùa tọa lạc tại thôn Háo Lễ; chùa Nước Chảy, vì phía Đông Bắc của chùa tiếp giáp với dòng sông Kôn nên mùa nước lớn thường chảy qua chùa; Chùa Bà Ba vì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nơi đây là vùng trắng. Riêng trong chùa chỉ còn Bà Ba tên thật là Nguyễn Thị Tình vẫn bám trụ ở lại lo nhang khói, kinh kệ nên người dân quen gọi là chùa Bà Ba.

Một góc của Tổ đình Thiên Đức

      Tổ đình đến nay đã trải qua 303 năm với 16 đời trụ trì. Cũng như bao ngôi chùa khác trên dải đất miền Trung này, Thiên Đức tự thuộc dòng Lâm tế. Và các vị sư đặt pháp danh đệ tử của mình theo dòng kệ truyền thừa của Sư Liễu Quán:Thật, Tế, Đại, Đạo, Tánh, Hải, Thanh, Trừng, Tâm, Nguyên, Quảng, Nhuận, Đức, Bổn, Từ, Phong, Giới, Định, Phước, Hệ, Thể, Dụng, Viên, Thông, Vĩnh, Siêu, Trí, Quả, Mật, Khế, Thành, Công, Truyền, Trì, Diệu, Lý, Diễn, Sướng, Chánh, Tông, Hạnh Giải, Tương, Ưng, Đạt, Ngộ, Chơn, Không. Như vậy đến nay đệ tử của chùa Thiên Đức đã tới dòng: Đức

Tượng Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát

      3. Nho Lâm – Di tích lịch sử vụ thảm sát

       Tạm biệt tổ đình Thiên Đức theo trục đường chính của xã chừng 200m chúng tôi rẽ ra hướng bắc để đến xóm 19 thôn Nho Lâm. Nơi đây vào năm 1966 đã xảy ra vụ thảm sát đẩm máu. Đế quốc Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên đã giết chết 165 đồng bào vô tội. Ông Trần Văn Châu 1 trong 3 người sống sót trong vụ thảm sát kể lại: Rạng sáng ngày 23/3/1966 những loạt đạn pháo đầu tiên của địch bắt đầu nã vào các thôn xóm, làm tan bầu không khí yên tĩnh của làng quê Phước Hưng. Bọn lính Nam Triều Tiên được các loại máy bay đổ bộ xuống. Chúng bắt đầu càn quét vào các xóm dân cư đang ở. Chúng đốt phá làng mạc cháy trụi và lùa người dân xuống hầm của bà Mai Thị Mười (Tên thường gọi là: Xác Luyến) đậy nắp lại rồi dù lựu đạn hơi cay thả vào hầm, 169 người dân vô tội đã chết ngộp.

      Năm 1991 Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã ban hành Quyết định số 2009/QĐ công nhận: DI TÍCH LỊCH SỬ NƠI DIỄN RA VỤ THẢM SÁT NHO LÂM (1966).

      Năm 2020 bằng nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và ngân sách địa phương, xã Phước Hưng đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng lại khu tưởng niệm, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đến khu tưởng niệm.

      4. Nhà thờ Vườn Vông

      Đây là một trong hai nhà thờ Công giáo trên địa bàn xã Phước Hưng. May mắn tôi đến nhà thờ trong một buổi sáng vắng vẻ. Tiếp tôi vị Linh Mục Phêrô Nguyễn Minh Trường vui vẻ tâm sự: Khi mới hình thành, Vườn Vông là một họ đạo của địa sở Gò Thị (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Đến năm 1889, địa sở Kim Châu phường Bình Định, thị xã An Nhơn) được thành lập, Vườn Vông thuộc địa sở Kim Châu. Sau trận bão năm 1933 ngôi nhà thờ nhỏ với mái tranh, vách đất đã bị sập đổ hoàn toàn. Năm 1939, ngôi nhà thờ được khởi công xây dựng lại đến năm 1941 hoàn thành. Năm 1958, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi tách họ đạo Vườn Vông khỏi địa sở Kim Châu để thành lập địa sở Vườn Vông.

Nhà thờ Vườn Vông tọa lạc tại xóm 6, thôn Quảng Nghiệp

          Ngày 02 tháng 02 năm 2012, Linh mục Gioakim Trần Minh Dũng khởi công xây dựng lại nhà thờ mới tại vị trí cũ nhưng rộng lớn và đẹp đẽ hơn. Hình ảnh hai tháp chuông cao vút làm tôi liên tưởng như đang đứng trước nhà thờ Đức Bà của thành phố Hồ Chí Minh

      5. Vườn hoa tết hộ Ngô Quốc Hưng

      Là một trong những điểm đến vô cùng tuyệt vời dành cho bạn nếu có dịp ghé thăm Phước Hưng trong dịp giáp tết cổ truyền của dân tộc. Với diện tích 10.000m2  vườn hoa của hộ anh Ngô Quốc Hưng ở xóm 01, thôn Biểu chánh có hàng chục loại hoa khác nhau mang nhiều màu sắc rực rỡ tạo nên một khung cảnh lung linh, tuyệt đẹp.

      6. Ruộng Sen xóm 4 thôn Quảng Nghiệp

      Thư giãn và hít thở không khí trong lành là một cách hay để bạn hồi sức sau một khoảng thời gian tập trung chăm chỉ học tập, sinh hoạt và làm việc. Ruộng Sen xóm 4 thôn Quảng Nghiệp với hương thơm dịu ngọt sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tạm xa rời phố thị tấp nập để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn và lấy lại tinh thần để tiếp tục cho những cuộc hành trình của mình.

      Con người Phước Hưng mang cái chân chất, thiệt thà của miền Trung, hiền hòa, mến khách của người dân xứ “nẫu”. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên vẻ đẹp và sự hấp dẫn của Phước Hưng, tha thiết chào đón bạn bè, du khách gần xa./.

                                                                             CÔNG TOÀN

Ngày đăng: 27/06/2023 - 09:27

LIÊN KẾT

LƯỢT TRUY CẬP

 Đang truy cập: 16

 Hôm nay: 23706

 Tháng này: 23467

 Tổng cộng: 439826

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ PHƯỚC HƯNG

Địa chỉ: thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Điện thoại: 02563620370. Email: phuochung@tuyphuoc.binhdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm nội dung: ông Lê Anh Duy, Chủ tịch UBND xã